"Đem con bỏ chợ"
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, có hiện tượng các công ty xuất khẩu lao động thu tiền của nông dân hay những người nghèo, nhưng sau đó hoặc lừa tiền, hoặc "đem con bỏ chợ"...
“Việc này khiến không biết bao nhiêu nông dân và dân nghèo Việt Nam khuynh gia bại sản. Họ thế chấp đồng ruộng, nhà cửa để được ra nước ngoài lao động, nhưng rồi lại trắng tay. Thậm chí không có tiền để về, về đến nhà có khi lại không lấy lại được tài sản thế chấp”, bà An nói.
Đại hiểu Bùi Thị An
Đại biểu Bùi Thị An cho biết thêm: “Giai đoạn vừa rồi, tôi nghe cử tri nói rằng, nộp hồ sơ vào những cơ quan, công ty hay đơn vị được cấp phép cho người đi lao động ở nước ngoài, nhưng để đi được cũng rất khó. Thậm chí, đủ điều kiện rồi, nhưng họ cứ đồn rằng phải 'có gì đấy(!?)”.
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, không biết có thực hay không nhưng những đơn vị có quyền xuất khẩu lao động lại "đem con bỏ chợ", có khi ôm tiền của người nghèo rồi bỏ trốn.
Ai ký phải chịu trách nhiệm
Trước hiện tượng người lao động nước ta bị lừa hay bị bỏ mặc ở nước ngoài, đại biểu Bùi Thị An đề nghị: Người nào ký cho phép các đơn vị xuất khẩu lao động phải chịu trách nhiệm đến cùng.
“Không thể chỉ đổ dồn cho các công ty, bởi trước khi cơ quan nhà nước ký phép, đã phải có một giai đoạn thẩm định về điều kiện và coi như phải đảm bảo”, Bà An nói.
Vị nữ đại biểu này cũng mong Quốc hội quan tâm để lao động Việt Nam sẽ không phải vật vờ ở nước ngoài, không phải khổ sở hay mất hết tài sản vì tin tưởng các công ty này.
Phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm của Quốc hội
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất giao thêm trách nhiệm cho tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp phối hợp với các cơ quan, tổ chức... tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động ở trong nước và nước ngoài.
Theo đại biểu Khánh, thực tế, hàng nghìn người Việt Nam đi học tập, lao động ở nước ngoài đã ở lại nước đó và ổn định cuộc sống.
Nếu pháp luật Việt Nam cho phép các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp phối hợp tạo việc làm, giới thiệu việc làm, sẽ bớt gây sức ép cho các cơ quan nhà nước. Tầng lớp thanh niên, người lao động có nhiều cơ hội được làm việc trong các thành phần kinh tế và ở nước ngoài, khắc phục tình trạng “lao động chui” đang bức xúc hiện nay.
Mỗi năm cả nước có khoảng 80 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên chúng ta không nắm được có bao nhiêu lao động trở về nước, không trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng lao động.
Đây là những người lao động có kinh nghiệm, có trình độ, nếu được sử dụng hiệu quả sẽ đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những quy định về quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi kết thúc hợp đồng lao động.
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An)
|
Theo 24h.com.vn
Tags:Lừa đảo ẩn nấp dưới mác Xuất khẩu lao động