Để tiết kiệm thời gian và điện, một chủ cơ sở ép dầu ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã cắt nhỏ lốp xe bỏ vào máy ép đậu phộng. Người dân tá hỏa khi đem dầu về nhà thì xuất hiện nhiều váng đen, khử lên có mùi khét.
Học cách... làm dầu bẩn
Theo tường trình của ông Trương Văn Lào (ngụ thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ), sau khi thu hoạch, ông mang đậu phộng đã phơi khô đến cơ sở ép dầu của ông Trương Căn (SN 1956, ngụ thôn Châu Lâu) để ép thành dầu ăn. Tuy nhiên trong quá trình ép dầu, để cho máy chạy nhanh, con trai ông Căn là Trương Công Thạnh (SN 1985) đã cắt nhỏ lốp xe đạp, xe máy bỏ chung với đậu phộng.
Theo đơn trình báo của người dân gửi Công an xã Điện Thọ thì có 30 hộ dân ép dầu tại nhà ông Căn. Số dầu ăn bị trộn lốp cao su khi ép ước tính hơn 2.000 lít. Trong khi đó, hiện tại giá mỗi lít dầu ăn được người dân bán với giá 90.000 đồng. Ông Nguyễn Quang Vinh (ngụ thôn Châu Lâu) cho biết ngoài 30 hộ dân trên còn có rất nhiều người ép dầu tại nhà ông Căn bị thiệt hại nhưng chưa trình báo.
Người dân vất vả sau một mùa đậu nhưng sau khi ép,
dầu bị thâm đen, đóng cặn không thể sử dụng
Sau khi nhận được đơn trình báo của người dân, Công an xã Điện Thọ đã lấy lời khai của gia đình ông Căn. Tại biên bản làm việc ngày 14/6, ông Căn thừa nhận cơ sở ông có ép dầu cho người dân 2 thôn Châu Lâu và thôn Tây. Ông Căn cho biết: “Trong lúc ép máy bị nghẹt nên con tôi dùng ruột cao su xe đạp, Honda cắt nhỏ bỏ vào cối xay đậu cho khỏi bị nghẹt”.
Đáng chú ý là tại biên bản lời khai, ông Căn cho biết việc bỏ ruột xe vào máy xay đậu khi ép dầu là do con trai ông “học hỏi” được từ cơ sở bán phụ tùng máy xay đậu. Cơ sở này tiết lộ với con ông: “Khi xay đậu mà bị nghẹt chỉ cần cắt nhỏ ruột xe bỏ vào thì máy sẽ chạy thông ngay”. Nếu bỏ lốp cao su vào máy thì thời gian xay đậu sẽ tiết kiệm rất nhiều, điện năng tiêu thụ giảm đi. Được biết, giá tiền chủ cơ sở ép dầu thu của người dân là 6.000 đồng/lít.
Muốn bồi thường phải đi kiện
Ông Căn thừa nhận việc làm của mình là có gây ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe của người dân địa phương nên hứa sẽ bồi thường. Tuy nhiên cho đến nay, hơn 30 hộ dân trên vẫn chưa được ông Căn thực hiện lời hứa.
Bà Nguyễn Thị Tài (tổ 5, thôn Châu Lâu) cho biết nhà bà trồng 3,5 sào đậu phộng và mất hơn 3 tháng chăm sóc. Với số đậu thu hoạch bà ép được 141 lít dầu, trị giá khoảng hơn 12 triệu đồng. “Công sức của cả gia đình tôi ròng rã hơn 3 tháng trời nằm trong chừng đó đậu. Nay ép về thì dầu đen sẫm, ăn không được, bán cũng không dám vì sợ người khác ăn thì mình vương tội” - bà Tài trần tình. Nhiều hộ dân khác cũng lâm vào cảnh trắng tay sau khi đầu tư vào mùa đậu phộng. Nhiều người điêu đứng vì tiền mua đậu giống, phân bón… đều đi vay mượn nay không biết lấy gì để trả.
Ông Trần Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thọ, cho biết cơ quan công an của xã đã gửi hồ sơ vụ việc lên Công an huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được hồ sơ thì Công an huyện Điện Bàn cho rằng vụ việc không cấu thành yếu tố hình sự nên giao hồ sơ về cho xã hướng dẫn các bên tự thỏa thuận. Nếu cơ sở ép dầu không chịu thỏa thuận thì người dân phải khởi kiện lên tòa án kinh tế. Trong khi đó, ông Mai Phước Thanh, Trưởng Công an xã Điện Thọ, cho biết đã làm việc với gia đình ông Căn 3 lần. Sau mỗi lần làm việc, ông Căn đều hứa sẽ đền bù nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Nguy hại đến sức khỏe
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc thực phẩm có trộn lẫn cao su. Tuy nhiên theo bác sĩ Thạnh, cao su là chất không thể tiêu hóa. Nếu chất này có mặt trong thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của người sử dụng, có thể dẫn đến những bệnh rối loạn đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, dầu ăn mà có trộn lẫn cao su từ những lốp xe đã cũ chứa rất nhiều tạp chất nên đó là loại dầu ăn bẩn. Chất cao su từ lốp xe đi vào cơ thể có thể dẫn đến bệnh ung thư. Chính vì thế, người tiêu dùng không nên sử dụng loại dầu ăn trên.
Theo Người lao động
Tags:Kinh hoàng dầu ăn bằng đậu phộng trộn… lốp xe!